chuyên văn (2010-2013)
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.


Diễn đàn của tập thể lớp chuyên văn ( 2010-2013)- THPT chuyên nguyễn Huệ
 
Trang ChínhLatest imagesTìm kiếmĐăng kýĐăng Nhập

 

 bài viết số 3

Go down 
Tác giảThông điệp
thanh chocolate
Thành viên mới
Thành viên mới
thanh chocolate


Tổng số bài gửi : 9
Join date : 05/10/2010
Age : 28
Đến từ : Hà Nội 1 !!!!!!!!!!!

bài viết số 3 Empty
Bài gửiTiêu đề: bài viết số 3   bài viết số 3 Icon_minitimeWed Nov 24, 2010 8:51 pm

ĐỀ BÀI
Suy nghĩ của anh (chị) khi nhìn những em bé không nơi nương tựa.
BÀI LÀM
Tôi thích mùa đông. Khi nữ hoàng tuyết phả hơi thở lạnh buốt vào thế gian cũng là lúc tôi được khoác lên mình tấm áo mới ấm sực, được cuộn tròn lười biếng trong chiếc chăn bong to sụ, được xuýt xoa ôm cốc sữa nóng ấm trong tay. Tôi cũng thích mưa đông nữa, cơn mưa nhẹ phớt mà chích vào vạn vật những mũi kim nhọn và ẩm ướt. Nhưng chính những khi ấy, chẳng hiểu sao tôi vẫn thấy ấm lạ, thật sung sướng khi khoanh chân nhâm nhi ca cao nóng và nghe mưa rả rích hòa cùng tiếng gió rít bản hùng ca mùa đông. Hay kể cả phải ra khỏi nhà trong cái thời tiết đáng sợ như vậy thì vẫn đáng hạnh phúc khi biết có một nơi ấm áp thân thuộc để về.
Rồi một ngày, niềm hạnh phúc trong tôi tắt ngấm.
Co ro bên đường một sinh linh gầy gò ốm yếu, một bé gái phong phanh trong… những mảnh giẻ cố bám víu vào nhau. Đôi chân trần cáu bẩn và tím tái. Khuôn mặt lấm láp đen sạm với mái tóc rối bù xù. Tôi không dám nhìn thẳng vào mắt em. Đôi mắt trẻ thơ đen tròn nhìn tôi van lơn. Đôi mắt lấp lánh niềm hi vọng kiếm được chút gì từ người khách qua đường.
Lúc này tôi chẳng có gì để cho em. Tôi lang thang chỉ vì giận dỗi và lòng tự ái trẻ con. Tôi không mang theo một đồng bạc lẻ, cũng chẳng có được mẩu bánh hay viên kẹo. Vậy mà sao em cứ nhìn tôi hoài, em chờ tôi lục túi. Đôi đồng tử đen láy dãn rộng đầy hi vọng. Có lẽ em đã quen với việc thất vọng rồi nhưng tôi vẫn không đang tâm quay đi mà không cho em cái gì. Tôi cứ chần chừ, nấn ná, tôi ái ngại cho em và ngượng ngùng cho mình. Ấy vậy mà tôi vẫn bước qua em, lạnh lùng băng giá, lướt qua và thổi vào tâm hồn thơ trẻ của em một luồng hơi lạnh lẽo. Tôi biết em vẫn nhìn theo tôi trước khi cúi đầu thất vọng. Chính tôi cũng đang cúi đầu bước thật nhanh, cố gạt ánh nhìn ám ảnh của em ra khỏi đầu óc.
Em bất hạnh quá! Cha em là ai? Mẹ em là ai? Nhà em nghèo đến nỗi nào mà em phải đi ăn xin thế này? Hay là em mồ côi? Chỉ cần nghĩ đến việc nếu mình mồ côi, tôi đã thấy sợ, tôi sợ không được nhìn thấy những cái tôi vẫn cho là bình thường mà đương nhiên tôi có. Sao em có thể tồn tại chỉ bằng mấy đồng bạc lẻ người ta bố thí? Em có cái ăn, chỗ ngủ không? Tôi chợt thấy mình vương giả, tôi đủ ăn đủ mặc, vậy mà tôi còn vừa trách bố mẹ để tôi thua kém bạn bè… Mỗi câu hỏi về em nảy ra trong tâm trí tôi là mỗi lần tôi thấy trong miệng mình cay đắng. Cay cho em còn đắng phần tôi.
Còn bao nhiêu đứa trẻ khác như em ở ngoài kia, tôi không biết và không dám nghĩ tới. “Trẻ em như búp trên cành”. Vậy mà có những chồi non không được ai chở che, bao bọc, tưới tắm yêu thương. Chúng phải tự vươn lên, tự chống chọi với nắng gắt và bão dông. Rồi biết đâu… chúng sẽ bị dập vùi trước sự khắc nghiệt của cuộc sống.
Mỗi người đều có quyền được sống, được thương yêu săn sóc nhưng các em phải sống mà không biết đến tình yêu thương. Đáng lẽ ra, các em phải được sống cuộc đời như tôi hoặc hạnh phúc hơn tôi. Các em phải được bao bọc, nuôi nấng, phải đủ ăn đủ mặc, phải được cắp sách tới trường, phải khóc và cười như bao đứa trẻ khác.
Chỗ của các em là trong vòng tay yêu thương của gia đình, bè bạn chứ không phải chui rúc trong những xó nhà bỏ hoang, ngủ cùng chuột bọ và mùi phế thải, không phải lê lết ngoài đường phố - nơi đầy rẫy những hiểm nguy đang rình rập: tệ nạn, bạo hành, hiếp đáp, bệnh tật…
Có những em may mắn hơn khi được nhận về nhà tình thương hay làng trẻ em SOS, dù còn nhiều thiếu thốn, ít nhất các em vẫn còn một nơi được gọi là nhà. Biết bao câu chuyện về cuộc sống mưu sinh của các em được kể lại trong nước mắt. Các em bị những tên anh chị lớn hơn hiếp đáp, bóc lột, các em phải chịu cảnh bạo hành, bị vắt kiệt cả thể xác và tâm hồn… Những câu chuyện khiến chúng ta phải rùng mình. Sao các em vẫn có thể sống sót như thế? Các em nhìn những đứa trẻ khác lớn lên trong tình yêu thương và sự đùm bọc của gia đình mà không thể không chạnh lòng ghen tị. Tôi đọc được trong những lời nói ngây ngô ấy niềm khao khát cháy bỏng được quan tâm, được yêu thương hay may mắn hơn, được đi học. Có những ước mơ bình dị đến xót xa: “Con chỉ mong được đi bán mĩ gõ, đi đánh giày cực lắm!”, “Phải chi con được nghe bố mẹ mắng.”.
Biết bao nhiêu số phận bé nhỏ đã bị gạt ra ngoài lề cuộc đời, phải lăn lộn, bươn trải mưu sinh giữa dòng đời nghiệt ngã, các em mải miết tìm cách lấp đầy cái dạ dày trống rỗng. Tuổi thơ bị đánh cắp…
Mỗi đứa trẻ là một tờ giấy trắng và hãy xem chúng ta đã viết gì lên nó. Đâu rồi những nét ngây ngô, trong sang, đâu rồi nụ cười hồn nhiên, đâu rồi tâm hồn thơ trẻ… Chỉ có những vết đen, vết ố. Chỉ có những thân thể ốm nhách, làn da sạm đen, những cẳng tay cẳng chân gày gò cáu bẩn. Chúng ta viết lên cái ngây dại ấy những mưu toan cuộc sống và vô tình viết lên trái tim các em những giá băng.
Đáng trách sao những kẻ làm cha làm mẹ, sao sinh em ra mà không nuôi dưỡng, chăm lo cho em? Nếu biết sẽ phải bỏ em thì sao không tìm cho em một mái ấm khác? Sao đối xử với giọt máu của mình tàn nhẫn quá! Tôi ước chi các em đừng đã ra đời để các em đừng phải khổ như thế! Người lớn khổ sở đã đành nhưng các em, chỉ là những đứa trẻ vô tội, các em không đáng phải chịu sự “trừng phạt của Thượng đế cho con người”. Nếu sinh ra đã là một tội thì chết còn là tội nặng kia. Dù khốn khổ, vất vả, các em vẫn phải sống, sống cho các em, vì các em. Sống khó, chết thì quá dễ dàng. Vậy mà hồi nhỏ hơi tí thì muốn tự tử, rằng thì không ai yêu con, không ai cần con. Còn các em, không biết ai yêu mình, cần mình, sao vẫn phải tồn tại?
Trách cái xã hội vô tâm này đã lướt qua hàng trăm ngàn đứa trẻ bất hạnh mỗi ngày mà vẫn lạnh lùng như thế! Đi qua và không ngoái lại, coi như không thấy cái ánh mắt van lơn khẩn thiết đang dán vào mình, hay là như tôi, dừng lại để rồi vẫn bước đi, khiến trái tim nhỏ bé ấy thêm lạnh lùng, chai sạn. Rồi đây khi lớn lên, các em sẽ thành gì? Liệu có mấy em sẽ trở thành người có ích hay các em sẽ nối gót những tên anh chị đã từng hiếp đáp em, trở thành kẻ đầu đường xó chợ, lại đi bóc lột những mảnh đời khốn khổ như em? Chúng ta luôn căm ghét, khinh bỉ hay sợ hãi những kẻ lưu manh, những tên côn đồ mà không nhận ra rằng, đó là sản phẩm của chúng ta, sản phẩm của một xã hội đi lên mà bỏ quên sau lưng bao số phận bất hạnh. Phải chăng ấy là sự trả thù đời?
Chùng xuống, mọi dây thần kinh, mọi mạch máu đang căng lên như dây đàn bất chợt chùng xuống. Cái áo tôi cho là không thời trang, cái cặp sách tôi chê xấu, ngôi nhà tôi xem là lọt thỏm giữa phố phường… tất cả những cái ấy chợt đáng quí biết bao.
Và tôi như rùng mình, rũ bỏ cái thơ trẻ trong mình để lớn thêm một chút, để thấy mình thật may mắn. May mắn vì được chào đời lành lặn, được lớn lên hạnh phúc, được khóc và được cười đúng nghĩa như một đứa trẻ, được đến trường để tìm hiểu những chân trời tri thức… Tôi được nhiều quá mà chưa mất gì. Tôi cũng không thể ngờ chính tôi đã luôn cho là mình khổ, mình đáng thương, vì lòng ích kỉ bó hẹp con người ta trong cái thế giới nhỏ bé chỉ xoay quanh mình.
Giờ tôi không thích mùa đông nữa, vì các em chẳng có áo ấm để mặc, chăn ấm để đắp, cũng chẳng có chốn ấm áp nào để tìm về. Tôi cũng không thích mùa xuân, thật bất công khi vạn vật đâm chồi, sống một cuộc đời mới thì các em vẫn phải sống cái cuộc đời như các em vẫn sống. Mùa hè tôi cũng chẳng ưa, những trò vui các em chẳng được tham gia, những trưa hè nắng gắt thiêu cháy hình hài bé nhỏ. Tôi càng thấy ghét mùa thu, tôi không muốn thấy trong những đôi mắt ấy niềm khát khao tắt ngấm.
Mọi lời nói hay suy nghĩ chỉ là lí thuyết. Mớ lí thuyết ấy không thể làm no cái bụng rỗng, ấm cái thân thể tím tái. Một vài đồng bạc lẻ, một mẩu bánh hay viên kẹo, hoặc có lẽ chỉ cái nắm tay cũng giá trị hơn một rổ thương cảm.
Và tôi quay người, rảo bước về phía em, không phải tôi phát hiện ra trong túi mình có gì, chỉ là tôi muốn bảo em: “Ngồi đây đợi chị một xíu nhé!”
Về Đầu Trang Go down
 
bài viết số 3
Về Đầu Trang 
Trang 1 trong tổng số 1 trang
 Similar topics
-
» Một bài viết hay cho bài số 1
» bóng chuyền.....hit...việt!!!!
» Phiên tòa xử tội admin ( Việt Anh)
» Gió... Đề nghị đóng góp ý tưởng để viết tiếp

Permissions in this forum:Bạn không có quyền trả lời bài viết
chuyên văn (2010-2013)  :: Góc học văn-
Chuyển đến